Tránh mua phải những chai rượu giả - mặt hàng được ưa chuộng để đi biếu
khách dịp Tết là điều mà bà nội trợ thông thái nào cũng muốn biết.
1. Khi đi mua rượu Mức rượu trong chai:
Thông thường các loại rượu mạnh như Brandy, Cognac, Whisky…của các hãng
trên thế giới được đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, mức
rượu bên trong các chai rất đều nhau. Các đối tượng làm hàng giả thường
chỉ đóng bằng tay, vì vậy mức rượu bên trong chai thường không đều
nhau. Khi quan sát một dãy rượu cùng nhãn hiệu trong cửa hàng, nếu thấy
chai nào có mức rượu khác với chai còn lại thì ta có thể nghi vấn đó
có thể chai giả, và tiếp tục kiểm tra những yếu tố tiếp theo.
Màu sắc trong chai: Khi quan sát một dãy chai rượu cùng một nhãn hiệu
trong cửa hàng ở cùng một góc ánh sáng chiếu vào, nếu thấy chai nào có
màu sắc khác biệt so với những chai còn lại thì ta có thể nghi ngờ đó
là hàng giả. Màu sắc có thể là nhạt hơn, sẫm hơn, hay có vẩn, váng đục…
Tuy vậy, màu sắc khác biệt chưa hoàn toàn đủ yếu tố để khẳng định đó
là giả.
Kiểm tra nhãn rượu: Hầu hết những chai rượu giả trên thị trường đều sử
dụng lại chai thật, nhãn thật, nhưng có thể trong quá trình tẩy rửa
chai, nhãn thật bị trầy xước hoặc bị bong ra, do đó các đối tượng làm
hàng giả đã in nhãn giả thay thế. Sự khác biệt lớn giữa nhãn thật và
nhãn giả là nhãn giả không thể bắt chước được việc thực hiện in chữ
nổi, màu ánh kim… đúng như hãng chính gốc.
Kiểm tra nắp nút: Thông thường các đối tượng làm hàng giả thường sử
dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ lưỡng, các
nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá
trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp
giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật…
Kiểm tra đáy chai: Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan
một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm
rượu giả vào. Do đó khi mua bạn nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu
có dấu vết lạ thì không nên mua. Các vết khoan thường ở những chỗ khó
thấy ví dụ: chính giữa vòng tròn của những chữ “A,O,B,.. hoặc những chỗ
có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán
thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. Các bạn cần quan sát
thật kĩ để tìm những lỗ như vậy.
Đề phòng những loại rượu được bán với giá "quá rẻ".
2. Khi sử dụng Nếu bạn được ai đó cho hay
tặng một chai rượu ngoại thì trước khi đem ra sử dụng bạn nên thử bằng
các cách sau đây để tránh tác hại khi uống:
Đem để vào ngăn đá tủ lạnh, sau 12 giờ lấy ra nếu như có hiện tượng đông đá trong chai rượu thì có thể là rượu giả.
Để thử nồng độ cồn trong rượu bạn có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn
tay, xoa hai tay với nhau rồi đưa lên mũi ngửi, nếu thấy có mùi xốc của
cồn thì rượu đó có hàm lượng cồn cao, có thể là rượu giả được pha chế
từ cồn.
Rượu giả khi mở ra uống không thấy mùi thơm, có vị chua hơi đắng, khi
uống thấy gắt miệng và màu rượu thì nhờ nhờ không đặc trưng như rượu
thật. Sau khi uống có thể bị đau đầu.
Đối với rượu Cognac thì rượu thật được chưng cất từ nho và được ngâm ủ
lên men trong thùng gỗ sồi. Khi rót rượu vào ly chỉ cần lắc nhẹ ly
rượu mùi thơm được tỏa ra mùi vị rất đặc trưng. Ngoài ra, rượu phải có
độ sánh (người ta hay nói rượu có chân) và có mùi thơm của nho, của gỗ
sồi, mật ong…
3. Lời khuyên cho người tiêu dùng
Nên chuyển sang mua những loại rượu mà giới làm giả ít chú ý như rượu
vang, bởi loại này đi biếu vừa lịch sự, vừa có nhiều mức giá đa dạng từ
200.000 - 300.000 đồng/chai. Thậm chí nếu sang có thể mua với những
chai có giá 7, 8 triệu đồng/chai vì hầu hết giới làm rượu giả tập trung
vào các loại rượu phổ biến và có giá ở tầm trung.
Khi mua rượu không nên mua ở các cửa hàng bán lẻ vì đây là nơi rượu
giả dễ trà trộn vào nhất. Nên chọn mua ở các trung tâm hoặc các cửa
hàng lớn có uy tín.
Cẩn thận với những loại rượu được giới thiệu là “xách tay từ nước ngoài về”.
Đề phòng những loại rượu được bán với giá "quá rẻ".
No comments:
Post a Comment